Trong hàng nghìn năm qua, người Việt tồn tại, duy trì được nòi giống là nhờ phần lớn vào cách thích ứng và dựa vào thiên nhiên. Chúng ta may mắn được “sống trên tài nguyên cây thuốc”, dược liệu hiện hữu khắp nơi, từ trong cách ăn uống, sinh hoạt đến chữa bệnh. Dân gian có tới cả nghìn bài thuốc từ cây cỏ quanh nhà, như dùng cây nhọ nồi để hạ sốt, chống viêm; dùng gừng, sả, chanh… để phòng, chống côn trùng, diệt vi rút, nấm mốc… Và nền Y học cổ truyền Việt Nam đã có những tên tuổi lớn như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh, gần nhất là GS. Đỗ Tất Lợi,..
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng nguồn thuốc chủ yếu từ tự nhiên. Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam hiện có trên 4.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc; một số loại dược liệu quý có thể kể đến như sâm Ngọc linh, Tam thất hoàng, Bách hợp… Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 50.000-60.000 tấn dược liệu khác nhau, tuy nhiên 80-85% trong đó là dược liệu được nhập từ nước ngoài, chủ yếu dưới dạng nông sản không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh dược liệu và ảnh hưởng xấu đến việc trồng, thu hái dược liệu trong nước. Một điều đáng tiếc nữa là càng ngày, vai trò của Y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh ngày càng mờ nhạt khi để Tây y lấn lướt. Có một thực tế hiện nay là thị trường dược liệu của Việt Nam đang có nhiều vấn đề, lại cạnh tranh không lành mạnh; một số nơi có hiện tượng pha trộn, làm giả đã làm mất đi đặc tính điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe của dược liệu; khâu chế biến, tận dụng dược liệu cũng còn nhiều hạn chế; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt thị trường nên sản phẩm chưa phong phú, đa dạng và phổ biến; hàm lượng và giá trị xuất khẩu của dược liệu Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng nên cũng chưa tạo được các vùng trồng, hay chế biến có quy mô.
PGS.TS Lê Văn Truyền – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân của những vấn đề trên là do nước ta chưa có một quy hoạch tổng thể cũng như chính sách phù hợp. Theo lý giải từ các chuyên gia, giá thành dược liệu ở Việt Nam khá cao, khó cạnh tranh với dược liệu nhập khẩu giá rẻ (đến từ sản xuất còn manh mún); địa bàn giao thông lại khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào lao động phổ thông dẫn đến chi phí sản xuất cao. Chỉ có một số doanh nghiệp hợp tác xã sản xuất theo đúng quy trình, còn lại hầu hết nhiều vùng trồng do các cá nhân nhỏ lẻ thực hiện, chưa quan tâm quy trình chất lượng để có sản phẩm ổn định. Bên cạnh đó, thiếu sự kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, nhiều cá nhân tổ chức muốn trồng dược liệu nhưng chưa kết nối được doanh nghiệp, có doanh nghiệp cần kết nối vùng trồng mà không tìm được,…
Do vậy, để phát triển bền vững cần phải có sự liên kết của Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, thiết lập được chuỗi liên kết giá trị dược liệu phát triển từ vùng trồng để tạo sự phát triển bền vững. Cần khẳng định thêm, phát triển cây dược liệu mang tới nhiều lợi ích, không chỉ góp phần cân bằng, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đời sống cộng đồng mà còn góp phần nâng cao giá trị sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.
QueenLabs
Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp