Tràm lá dài (Melaleuca leucadendra) thuộc chi Melaleuca, họ Myrtaceae, có nguồn gốc phân bố ở Australia, New Caledonia, Papua New Guinea, Indonesia và được di thực vào nước ta từ lâu. Đây là một trong những loại cây được ưu tiên trồng để làm rừng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ môi trường đất ngập nước, ngăn chặn quá trình phèn hoá của đất. Gỗ Tràm lá dài thường được sử dụng trong xây dựng, đóng thuyền, làm giấy; lá được dùng để chiết xuất tinh dầu. Tinh dầu Tràm chiết xuất từ các loài Tràm khác nhau có thể được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm hay trong y học.
Tràm lá dài có hàm lượng tinh dầu chiếm từ 1-2,5%, cao hơn nhiều so với giống Tràm bản địa là Tràm gió (M. cajuputi) (0,4-1,2%). Hai thành phần chính phổ biến nhất trong tinh dầu Tràm lá dài là 1,8-cineole, chiếm từ 44-64% hàm lượng tinh dầu (Tràm lá dài ở Ai Cập; Cuba; Indonesia) hay e-nerolidol, chiếm 82-96% (Tràm ở Ấn Độ, Brazil). Tinh dầu Tràm với hàm lượng 1,8- cao (là loại tinh dầu Tràm thương mại hiện nay) thường được sử dụng trong y dược để điều trị bệnh và chăm sóc sức khoẻ trong khi e-nerolidol được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, hương liệu thực phẩm và dược phẩm. Theo nhiều nghiên cứu đã được công bố, tinh dầu Tràm lá dài có tác dụng kháng khuẩn, nấm, virus; chống oxy hoá, chống viêm, chống tăng sinh của các sinh vật kí sinh và các dòng tế bào ác tính, có hiệu quả tốt trong việc chữa lành vết thương, thúc đẩy quá trình tái tạo da. Ngoài ra, bã lá Tràm sau khi chiết xuất tinh dầu có tiềm năng tái chế làm chất bảo quản gỗ.
Ở Việt Nam, việc sản xuất tinh dầu Tràm trước đây phần lớn lấy nguyên liệu từ các rừng Tràm tự nhiên dẫn đến việc các rừng Tràm ngày càng thu hẹp. Hiện nay, Tràm lá dài, Tràm năm gân và Tràm trà là các loại Tràm nhập nội được lựa chọn nhiều để trồng bên cạnh giống Tràm bản địa. Để đáp ứng nhu cầu về giống, QueenLabs đã tham gia cùng với nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Công nghệ Gen, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế nhân giống in vitro cây Tràm lá dài thành công. Môi trường WPM bổ sung BAP thích hợp nhất để nuôi cấy mẫu đoạn thân với số chồi tái sinh là 3,03 chồi/mẫu. Môi trường WPM bổ sung BAP kết hợp với TDZ phù hợp để nhân chồi với số chồi tạo thành là 11,43 chồi/mẫu. Rễ in vitro hình thành và phát triển tốt trên môi trường ½ WPM bổ sung NAA với số rễ đạt 4,27 rễ sau 4 tuần.
Công trình nghiên cứu đã được nhận đăng trên Tạp chí Propagation of Ornamental Plants số tháng 1/2024.