Mai vàng (Ochna integerrima) là cây thân gỗ được trồng phổ biến ở Thái Lan, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác. Tại Việt Nam, mai vàng là cây cảnh phổ biến của miền Trung và Nam. Đặc biệt mai vàng là biểu tượng của mùa xuân, của sự may mắn đầu năm, nên nhu cầu chơi mai ngày Tết rất lớn. Mai vàng trở thành một loại cây thương phẩm có giá trị kinh tế cao. Các cây mai đẹp được ưa chuộng cho dù giá thành rất đắt.
Mai vàng Huế hay còn gọi là Hoàng mai Huế – là loại sinh vật cảnh quý của Việt Nam – có vẻ đẹp đặc trưng mà ít loài hoa nào có được, là một loại cây thể hiện cốt cách, con người, đã đi vào lịch sử, thơ ca, hội họa. Đặc trưng nhận biết của Mai vàng Huế được xác định đó là: Mai vàng Huế có lộc xanh, cành lộc dày (dăm chi); hoa cuống ngắn; 5 cánh màu vàng đậm, viền lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít nhau, có mùi thơm dịu nhẹ. Cây Mai vàng Huế đã trở thành “sứ giả” – tượng trưng cho mùa xuân xứ Huế và vùng đất phương Nam.
Vì là cây thân gỗ, mai vàng sinh trưởng và phát triển khá chậm, chủ yếu được nhân giống bằng các phương pháp truyền thống, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Phương pháp nhân giống hữu tính bằng gieo hạt tuy đơn giản nhưng quá trình thụ phấn tự nhiên làm thoái hóa giống, không giữ được các đăc tính quí mong muốn. Phương pháp nhân giống vô tính bằng ghép cành, giâm cành hạn chế về số lượng cây tạo ra và độ đồng đều của tuổi cây. Phương pháp vi nhân giống bằng nuôi cấy mô thực vật sẽ góp phần giải quyết các vấn đề trên.
QueenLabs đã bước đầu thành công trong việc nuôi cấy mô cây mai vàng Huế, chồi tạo thành sinh trưởng mạnh. Nghiên cứu là sự hợp tác giữa QueenLabs và PTN công nghệ Gen, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế. Dự kiến nghiên cứu sẽ hoàn thành và công bố trong thời gian ngắn sắp tới.