Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, Công ty TNHH MTV Công nghệ sinh học QueenLabs đã ra mắt sản phẩm mới là tinh dầu tràm năm gân mang thương hiệu QueenLabs. Sản phẩm tinh dầu tràm năm gân của QueenLabs có nguồn gốc từ cây tràm năm gân trồng tại huyện Hương Trà và huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sản phẩm đã được kiểm nghiệm với hàm lượng 1,8-cineole đạt 60%, các tính chất lý hóa đều đạt tiêu chuẩn để lưu hành.
Dầu tràm là một loại dầu gió được chiết xuất từ lá của các cây thuộc chi Tràm. Loại dầu này có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng, thuốc sát khuẩn và nấm đặc hiệu dưới hai dạng sử dụng bôi thoa trực tiếp hay dạng hít ngửi bay hơi. Từ lâu dầu tràm đã được sử dụng rất rộng rãi trong cộng đồng ở Việt Nam để phòng ngừa cảm mạo, gió máy cho người già, người bệnh, sản phụ, trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh.
Tinh dầu Tràm từ lâu đã được giới khoa học và người tiêu dùng đánh giá cao về hiệu quả sử dụng trong đời sống hàng ngày. Tinh dầu có màu vàng lục, thành phần chủ yếu là 1,8-cineole (46,9-57,9%) kèm theo các alcohol monoterpenic như terpineol, linalol và terpinen-4-ol. Ngoài ra, trong tinh dầu còn có một hàm lượng cao các hydrocarbon monoterpen (27,8%), một lượng nhỏ các hydrocarbon sesquiterpen và alcohol. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng sử dụng tinh dầu tràm như một thứ không thể thiếu đối với gia đình có trẻ nhỏ.
Trên thị trường hiện nay, phần lớn tinh dầu tràm được sản xuất từ nguyên liệu lá tràm cây tràm gió (Melaleuca cajuputi), đây là loài tràm bản địa, được sử dụng từ xưa đến nay. Tuy nhiên, tràm gió có hàm lượng 1,8-cineole (hợp chất có giá trị cao nhất trong tinh dầu tràm) thấp hơn so với các loài tràm khác như tràm năm gân và tràm lá dài. Theo Lê Đình Khả và cs (2017), cây tràm gió trồng tại Phú Lộc, Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2016 có hàm lượng tinh dầu là 0,81% (1,8-cineole chiếm 28,77%). Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoài và cs (2019) trên 10 mẫu tràm gió cho thấy ở Thừa Thiên Huế hàm lượng 1,8-cineole dao động từ 15,2 đến 59,3%, có giá trị trung bình là 37,2%.
Do đó, hiện nay cây tràm gió đang được thay thế dần bằng cây tràm năm gân (M. quinquenervia), đây là loài nhập nội từ Úc, có hàm lượng tinh dầu trung bình là 1,83% (1,8-cineole chiếm 60,41%), cao hơn các loại tràm gió địa phương. Theo Khuất Thị Hải Ninh và cs (2011), tràm năm gân xuất xứ Q23 trồng tại Ba vì có hàm lượng tinh dầu 1,14% và 1,8-cineole chiếm tỉ lệ 71,05%, xuất xứ này khi trồng tại huyện Phú Lộc có hàm lượng tinh dầu 1,40% và tỷ lệ 1,8-cineole lên tới 73,82%. Theo Chaverri và cs (2021), lá tràm năm gân trồng tại Costa Rica có hàm lượng 1,8-cineole đạt 31,5%, trong khi đó cây tràm năm gân ở Mỹ có hàm lượng 1,8-cineole đạt 52,20% (Vázquez và cs, 2023).
Đây là sản phẩm đầu tiên trong lĩnh vực tinh dầu của QueenLabs, mở ra hướng đi mới của Công ty trong tương lai.