Với điều kiện thiên nhiên nhiều ưu đãi, Việt Nam có một hệ sinh thái phong phú và đa dạng với hơn 12 nghìn loài thực vật, trong đó có gần 4000 loài có công dụng làm thuốc được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: Sâm Ngọc linh, Tam thất hoang, Bách hợp, Thông đỏ, Vàng đắng, Hoàng liên ô rô, Hoàng liên gai, Thanh thiên quỳ, Ba gạc Vĩnh Phú… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước.
Bên cạnh đó, từ rất lâu, người dân đã có truyền thống sử dụng các loại cây cỏ để làm thuốc nên đã dần tích lũy kinh nghiệm, góp phần hình thành nền kho tàng tri thức về y học cổ truyền. Với những thói quen đó, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm dược liệu trong nước là rất lớn.
Xuất phát từ thực tiễn trên, nhiều mô hình trồng dược liệu của người dân đã phát triển trong những năm qua và đã mang lại giá trị kinh tế cao, lên đến hàng trăm triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với nhiều cây trồng khác. Tuy nhiên, việc phát triển, sử dụng và bảo tồn dược liệu đang gặp phải không ít khó khăn và hạn chế. Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề quy hoạch bởi tình trạng trồng và khai thác dược liệu ở nước ta vẫn còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, chưa có khái niệm trồng mới dẫn đến sản lượng không ổn định, giá cả biến động. Ngoài ra, với việc khai thác quá mức đã làm cạn kiệt nguồn gen cây dược liệu, dẫn đến số lượng loài có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít, nhiều loài quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Cùng với đó, việc bị hạn chế về điều kiện kỹ thuật – công nghệ cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và hiệu quả phát triển cây dược liệu trong sản xuất.
Sử dụng cây giống nuôi cấy mô có lẽ đã không mấy xa lạ với người làm nông – lâm nghiệp, thậm chí nhiều người còn xem đó như chìa khóa làm giàu. Người dân Lâm Đồng đã quá quen thuộc với các giống cây ăn quả nuôi cấy mô như dâu tây, khoai tây, cà chua,…; giống hoa kiểng nuôi cấy mô như hoa lan, hoa ly, đồng tiền,….; cây làm cảnh nuôi cấy mô như trầu bà, lục đế vương,… Người dân sông nước Tây Nam Bộ đã sẵn sàng chuyển đổi một diện tích lớn trồng cây hoa màu và ăn trái từ những giống truyền thống thành cây giống cấy mô như chuối cấy mô, khoai lang cấy mô, thanh long cấy mô, … Người trồng rừng ở khắp các tỉnh ngày càng ưa chuộng các giống keo nuôi cấy mô bởi đặc tính sạch bệnh, phát triển tốt, nâng cao được chất lượng rừng trồng và tăng hiệu quả sản xuất.
Ưu điểm vượt trội của giống cây có nguồn gốc từ nuôi cấy mô là các cây hoàn chỉnh từ những tế bào thực vật đã được chọn lọc có giá trị kinh tế cao và tạo ra các loài tốt hơn, hệ số nhân giống cao, đáp ứng nguồn giống quanh năm. Kỹ thuật này có thể cứu sống phôi mầm của một số loài cây khó sinh trưởng và phát triển, bảo vệ các giống quý hiếm đang bị đe dọa. Do vậy, nuôi cấy mô tế bào thực vật hiện được xem là phương pháp kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay và ngày càng phổ biến vì đã khắc phục được nhược điểm của các phương pháp nhân vô tính khác như chiết, ghép hay giâm cành, mang đến hiệu quả kinh tế cao.
Với công nghệ nuôi cấy mô có thể sản xuất chuẩn xác lượng cây giống chất lượng cao hoặc chọn lựa các đặc tính mong muốn khác, đáp ứng nhu cầu trồng trọt trên quy mô diện tích lớn, cây giống mang đặc tính tốt giống hệt cây bố mẹ ban đầu. Công nghệ nuôi cấy mô tạo ra các cây con trong điều kiện dinh dưỡng đầy đủ, giúp cây trưởng thành một cách nhanh chóng và phòng tránh sâu bệnh gây hại, nhất là các bệnh do virus gây ra, đảm bảo cây con sạch bệnh.
Nhờ hiệu quả tối ưu mà công nghệ này đã gây tiếng tăm rộng khắp, hầu hết nhà nông, lâm nghiệp nào cũng phát huy được giá trị của giống cây nuôi cấy mô, đặc biệt là ứng dụng trong sản xuất cây giống dược liệu chất lượng cao. Các hợp tác xã cùng với các hộ dân ở Quảng Ninh, Quảng Nam và một số tỉnh khác đã phối hợp đầu tư, mở rộng các vùng trồng giống ba kích tím nuôi cấy mô, cung cấp giải pháp tốt để sản xuất cây ba kích tím nhanh, sạch bệnh, chất lượng cao trên quy mô lớn đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất dược liệu ba kích, tạo sinh kế bền vững. Nông dân khu vực Tây Bắc cũng đã phát triển các vùng trồng dược liệu cấy mô chất lượng cao trong nhiều năm như đinh lăng, tam thất, sâm…. giúp người dân thuận lợi trong sản xuất và từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển nền nông – công nghiệp hiện đại, chất lượng cao,…
Như vậy, có thể thấy rằng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng phát triển tất yếu, đặc biệt là ứng dụng nuôi cấy mô trong việc phát triển các vùng dược liệu ngày càng phát triển và phổ biến mạnh mẽ. Điều này sẽ góp phần làm thay đổi cũng như nâng cao nhận thức cho người dân về mô hình nhân trồng hiện đại, hiệu quả, bền vững và mang tính đột phá, mở ra nhiều định hướng phát triển mới trong tương lai.
Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp